08:45 - 01/10/2021 982 lượt xem Câu hỏi thường gặp

THỦ TỤC BÁN ĐẤT CHO NGƯỜI BỊ TÂM THẦN

Câu hỏi:

Em có một mảnh đất ở Thanh Hóa muốn bán sổ đỏ mang tên bố em nhưng bố em giờ bị tâm thần phân liệt nên không đủ hành vi dân sự vậy cho hỏi nếu muốn bán thì mình cần những giấy tờ thủ tục như thế nào ạ? Em cảm ơn Luật sư

Trả lời:

Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gởi câu hỏi đến Công ty Luật Nguyễn Đoàn. Căn cứ theo thông tin bạn cung cấp, chúng tôi xin giải đáp thắc mắc của bạn như sau:

Do nội dung bạn nên trên chưa đầy đủ dữ liệu ( mẹ bạn còn sống không, gia đình bạn có bao nhiêu anh/chị/ em). Tôi giả sử trong trường hợp này mẹ bạn còn sống và bạn có anh, chị. em.

Khi bố bạn bị bệnh tâm thần phân liệt không có khả năng điều khiển được hành vi  (không thể tự mình đứng ra thực hiện các giao dịch dân sự được) thì theo quy định tại Điều 22 Bộ luật Dân sự 2015 về “ Mất năng lực hành vi dân sự” quy định như sau:

"Điều 22. Mất năng lực hành vi dân sự

1. Khi một người do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi thì theo yêu cầu của người có quyền, lợi ích liên quan hoặc của cơ quan, tổ chức hữu quan, Tòa án ra quyết định tuyên bố người này là người mất năng lực hành vi dân sự trên cơ sở kết luận giám định pháp y tâm thần.

Khi không còn căn cứ tuyên bố một người mất năng lực hành vi dân sự thì theo yêu cầu của chính người đó hoặc của người có quyền, lợi ích liên quan hoặc của cơ quan, tổ chức hữu quan, Tòa án ra quyết định hủy bỏ quyết định tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự.

2. Giao dịch dân sự của người mất năng lực hành vi dân sự phải do người đại diện theo pháp luật xác lập, thực hiện."

Trong trường hợp bạn nêu trên, muốn bán mảnh đất trên, mẹ bạn và các anh chị em trong gia đình bạn nộp đơn lên Tòa án yêu cầu Tòa án ra quyết định tuyên bố, bố bạn bị mất năng lực hành vi dân sự. Lúc này, các giao dịch dân sự liên quan đến tài sản của bố bạn sẽ được thông qua người giám hộ.

Theo quy định tại Điều 53 Bộ luật Dân sự năm 2015 về người giám hộ đương nhiên của người mất năng lực hành vi dân sự quy định:

"Điều 53. Người giám hộ đương nhiên của người mất năng lực hành vi dân sự

Trường hợp không có người giám hộ theo quy định tại khoản 2 Điều 48 của Bộ luật này thì người giám hộ đương nhiên của người mất năng lực hành vi dân sự được xác định như sau:

1. Trường hợp vợ là người mất năng lực hành vi dân sự thì chồng là người giám hộ; nếu chồng là người mất năng lực hành vi dân sự thì vợ là người giám hộ.

2. Trường hợp cha và mẹ đều mất năng lực hành vi dân sự hoặc một người mất năng lực hành vi dân sự, còn người kia không có đủ điều kiện làm người giám hộ thì người con cả là người giám hộ; nếu người con cả không có đủ điều kiện làm người giám hộ thì người con tiếp theo có đủ điều kiện làm người giám hộ là người giám hộ.

3. Trường hợp người thành niên mất năng lực hành vi dân sự chưa có vợ, chồng, con hoặc có mà vợ, chồng, con đều không có đủ điều kiện làm người giám hộ thì cha, mẹ là người giám hộ."

Để người giám hộ (tức là bạn) tiến hành các giao dịch dân sự một cách hợp pháp đối với tài sản của người được giám hộ ( bố bạn) thì cần phải có người giám sát người giám hộ. Theo quy định tại Khoản 1 Điều 53 Bộ luật Dân sự 2015 về “ Giám sát việc giám hộ” thì:

 Điều 53. Giám sát việc giám hộ 

Người thân thích của người được giám hộ thỏa thuận cử người giám sát việc giám hộ trong số những người thân thích hoặc chọn cá nhân, pháp nhân khác làm người giám sát việc giám hộ.

Việc cử, chọn người giám sát việc giám hộ phải được sự đồng ý của người đó. Trường hợp giám sát việc giám hộ liên quan đến quản lý tài sản của người được giám hộ thì người giám sát phải đăng ký tại Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú của người được giám hộ.

Người thân thích của người được giám hộ là vợ, chồng, cha, mẹ, con của người được giám hộ; nếu không có ai trong số những người này thì người thân thích của người được giám hộ là ông, bà, anh ruột, chị ruột, em ruột của người được giám hộ; nếu cũng không có ai trong số những người này thì người thân thích của người được giám hộ là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người được giám hộ.

Nghĩa là, trong trường hợp này gia đình bạn phải cử người đại diện làm người giám sát việc giám hộ, người giám sát việc giám hộ phải là người có năng lực hành vi dân sự đầy đủ. Trong hợp đồng mua bán nhà ở ngoài chữ ký của bạn ra còn phải có cả chữ ký của người giám sát việc giám hộ.

Để bán được đất trong trường hợp trên thì mẹ bạn và các anh chị em phải thực hiện những công việc sau đây:

- Thứ nhất, nộp đơn lên Tòa án yêu cầu Tòa án ra quyết định tuyên bố bố bạn bị mất năng lực hành vi dân sự.

- Thứ hai, bạn cần làm thủ tục đăng ký giám hộ bằng cách làm đơn yêu cầu đăng ký việc giám hộ đương nhiên (theo mẫu) nộp tại UBND xã, phường, thị  trấn. Khi làm thủ tục cần nộp các tài liệu sau: Giấy khai sinh của người giám hộ; Sổ hộ khẩu gia đình của người giám hộ; Chứng minh nhân dân của người giám hộ.

- Thứ ba, gia đình bạn phải cử người đại diện làm người giám sát việc giám hộ.

Sau khi thực hiện các công việc trên, bạn có thể bán đất theo sự đồng ý của các thành viên trong gia đình bạn.

Trên đây là toàn bộ ý kiến tư vấn của chúng tôi về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn dựa trên thông tin bạn cung cấp.

Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ qua điện thoại số: 0903 328 166 hoặc để lại bình luận bên dưới để được hỗ trợ nhanh nhất.

Trân trọng,

Ls. Nguyễn Thái Hưng

TIN XEM NHIỀU