05:30 - 04/03/2022 6552 lượt xem Câu hỏi thường gặp

QUY ĐỊNH CẢI TẠO THÙNG XE TẢI

Tình huống: Công ty cần thực hiện quy định gì khi có nhu cầu cải tạo thùng xe tải thành dạng kính?

  1. Cơ sở pháp lý

     Quy định tại khoản 4, Điều 4 Thông tư 85/2014/TT-BGTVT, theo đó “cải tạo xe cơ giới là việc thay đổi kết cấu, hình dạng, bố trí, nguyên lý hoạt động, thông số, đặc tính kỹ thuật của một phần hoặc toàn bộ hệ thống của xe. Trong trường hợp thay thế toàn bộ hệ cùng kiểu với cùng một nhà sản xuất (thể hiện qua mã phun tùng) thì không được gọi là cải tạo”.

    Như vậy việc cải tạo thùng xe tải thành dạng thùng kính chính là việc thay đổi kích thước, cơ cấu, chất liệu của thùng xe nguyên mẫu, việc này được gọi là cải tạo xe cơ giới và phải thực hiện đúng theo những quy định của pháp luật.

  1. Khi cải tạo thùng xe tải phải tuân thủ các quy định sau

    Việc cải tạo thùng xe phải phù hợp tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, quy định về chất lượng an toàn kỹ thuật, bảo vệ môi trường đối với xe cơ giới khi tham gia giao thông và phải tuân thủ các quy định tại Điều 4 Thông tư 85/2014/TT-BGTVT, cụ thể:

  • Không cải tạo hoặc thay đổi mục đích sử dụng đối với các xe tải đã có thời gian sử dụng trên 15 năm được tính kể từ ngày sản xuất cho đến ngày xe đi thẩm định để cải tạo.
  • Không được cải tạo thùng xe tải của những loại xe tải nhập khẩu, sản xuất, lắp ráp mới nhưng chưa qua sử dụng trong thời gian 6 tháng, thời gian 6 tháng được tính từ ngày kiểm định an toàn kỹ thuật và môi trường lần đầu cho đến ngày thẩm định thiết kế để cải tạo xe. Tuy nhiên một số trường hợp như cải tạo thành xe tập lái, sát hạch hoặc cải tạo để lắp đặt thêm mui phủ của xe tải thùng hở thì không cần tính khoảng thời gian 6 tháng.
  • Không cải toàn tăng chiều dài của toàn bộ xe cơ giới, trừ các trường hợp xe được cải tạo thành xe chuyên dùng.
  • Không được tăng kích thước của lòng thùng xe, thể tích xi téc đối với xe tải, xe xi téc đã cải tạo thành một loại xe khác và khi cải tạo trở về lại loại xe nguyên thủy ban đầu.
  • Khối lượng toàn bộ cho phép tham giao giao thông của xe tải sau khi cải tạo phải đảm bảo các yêu cầu sau: không được lớn hơn giá trị của khối lượng toàn bộ theo như thiết kế của nhà sản xuất và khối lượng toàn bộ được phép tham gia giao thông trên đường theo những quy định về tải trọng cầu đường.
  • Không cải tạo tăng kích thước đối với lòng thùng của xe tải hoặc thể tích xi téc của xe xi téc. Còn đối với trường hợp lắp đặt thêm mui phủ đối với xe tải thùng hở không mui thì phần chiều cao của thành thùng xe phải giữ nguyên và không được tự ý thay đổi so với kết cấu ban đầu của nhà sản xuất.
  • Các loại xe cơ giới sau cải tạo là xe tự đổ, xe xi téc, xe tải phải có thông số kỹ thuật phù hợp với quy định tại Thông tư số 42/2014/TT - BGTVT.
  1. Thủ tục cải tạo thùng xe tải

Bước 1: Lập hồ sơ thiết kế và hồ sơ thẩm định thiết kế nộp Cục đăng kiểm Việt Nam hoặc sở Giao thông vận tải thẩm định theo quy định.

  • Hồ sơ thiết kế hoán cải thùng xe tải gồm bản chính 02 giấy tờ sau (Điều 5 Thông tư 85/2014/TT-BGTVT):
  • Bản thuyết minh thiết kế kỹ thuật của xe ô tô dựa theo mục A của phụ lục I trong Thông tư 85/2014/TT-BGTVT
  • Bản vẽ kỹ thuật theo mục B phụ lục I trong Thông tư 85/2014/TT-BGTVT

   Lưu ý: Hồ sơ thẩm định thiết kế phải có ký hiệu riêng, không trùng lặp và không quá 20 ký tự để phục vụ quản lý trên Chương trình quản lý cải tạo xe cơ giới (sau đây gọi tắt là Chương trình cải tạo). Cơ quan thẩm định thiết kế hướng dẫn Cơ sở thiết kế ghi ký hiệu thiết kế. (Điểm 2.2 Khoản 2 Hướng dẫn 650/ĐKVN-VAR năm 2015)

  • Hồ sơ đề nghị thẩm định thiết kế (khoản 4 Điều 7 Thông tư 85/2014/TT-BGTVT)
  • Văn bản đề nghị thẩm định thiết kế (bản chính) theo mẫu quy định tại Phụ lục IIIban hành kèm theo Thông tư 85/2014/TT-BGTVT
  • 04 bộ hồ sơ thiết kế xe cơ giới cải tạo có thành phần theo quy định tại Điều 5 của Thông tư 85/2014/TT-BGTVT (đã được nêu ở trên)
  • Tài liệu thông số, tính năng kỹ thuật của xe cơ giới cải tạo và các tổng thành, hệ thống cải tạo, thay thế (bản sao có xác nhận của cơ sở thiết kế)
  • Bản sao có xác nhận của cơ sở thiết kế của một trong các giấy tờ sau: Giấy Đăng ký xe ô tô; Phiếu sang tên, di chuyển (đối với trường hợp đang làm thủ tục sang tên, di chuyển); Giấy chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe cơ giới nhập khẩu hoặc giấy tờ chứng nhận đã hoàn thành thủ tục nhập khẩu (đối với xe cơ giới đã qua sử dụng được phép nhập khẩu, chưa có biển số đăng ký).

    Lưu ý: Đối với trường hợp chủ xe mới có Giấy hẹn cấp Giấy đăng ký xe thì Cơ sở thẩm định thiết kế vẫn tiếp nhận Hồ sơ đề nghị thẩm định thiết kế; Cơ sở thiết kế có trách nhiệm nộp bản sao Giấy đăng ký xe ô tô có xác nhận của Cơ sở thiết kế khi nhận Giấy chứng nhận thẩm định thiết kế (Điểm 2.3 Khoản 2 Hướng dẫn 650/ĐKVN-VAR năm 2015)

Bước 2: Nhận Giấy chứng nhận thẩm định

  • Sau khi được chấp nhận hồ sơ thiết kế tại đơn vị thẩm định thiết kế thì đơn vị thẩm định thiết kế sẽ cấp giấy Chứng nhận thẩm định thiết kế.
  • Giấy chứng nhận thẩm định thiết kế chỉ có hiệu lực tối đa là 12 tháng kể từ ngày ký nhưng sẽ không quá niên hạn sử dụng của xe. Hoặc đối với trường hợp cải tạo thay đổi mục đích sử dụng của xe tải thì xe phải không được quá 15 năm kể từ năm sản xuất của xe.

Bước 3: Thực hiện hoán cải theo hồ sơ đã được duyệt và liên hệ với cơ sở thiết kế đóng thùng để thực hiện theo đúng hồ sơ thẩm định.

Bước 4: Nghiệm thu sau khi hoán cải

  • Việc thực hiện hoán cải sẽ do đơn vị thiết kế, có chức năng hoán cải, đóng mới thùng xe tải thực hiện theo đúng hồ sơ đã được phê duyệt.
  • Sau đó, sẽ nộp hồ sơ nghiệm thu, để đề nghị nghiệm thu xe sau khi đã được hoán cải đến đơn vị Cục Đăng Kiểm hoặc Trung Tâm Đăng Kiểm có chức năng nghiệm thu sau hoán cải. Hồ sơ nghiệm thu xe cơ giới cải tạo bao gồm:

          + Văn bản đề nghị nghiệm thu xe cơ giới cải tạo theo mẫu quy định tại Phụ lục VII ban hành kèm theo Thông tư 85/2014/TT-BGTVT

          +  Thiết kế đã được thẩm định.

          + Ảnh tổng thể chụp góc khoảng 45 độ phía trước và phía sau góc đối diện của xe cơ giới sau cải tạo; ảnh chụp chi tiết các hệ thống, tổng thành cải tạo

          + Biên bản nghiệm thu xuất xưởng xe cơ giới cải tạo

          + Bảng kê các tổng thành, hệ thống thay thế mới theo mẫu quy định tại Phụ lục VIII ban hành kèm theo Thông tư 85/2014/TT-BGTVT

          + Bản sao có xác nhận của cơ sở cải tạo các tài liệu thông số, tính năng kỹ thuật của xe cơ giới cải tạo và các tổng thành, hệ thống cải tạo, thay thế và tài liệu xác nhận nguồn gốc của các hệ thống, tổng thành cải tạo

          +  Giấy chứng nhận chất lượng, an toàn kỹ thuật đối với cần cẩu, xi téc chở hàng nguy hiểm, xi téc chở khí nén, khí hóa lỏng và các thiết bị chuyên dùng theo quy định.

Bước 5: Cấp Giấy chứng nhận hoán cải

   Cơ quan nghiệm thu tiếp nhận và kiểm tra hồ sơ

  • Nếu thành phần hồ sơ không đầy đủ theo quy định thì hướng dẫn tổ chức, cá nhân bổ sung, hoàn thiện lại ngay trong ngày làm việc (đối với trường hợp nộp hồ sơ trực tiếp) hoặc thông báo và hướng dẫn hoàn thiện hồ sơ trong 02 ngày làm việc (đối với trường hợp nộp hồ sơ qua hệ thống bưu chính hoặc hình thức phù hợp khác)
  • Trường hợp hồ sơ đầy đủ theo quy định, Cơ quan nghiệm thu tiến hành nghiệm thu xe cơ giới cải tạo. Nếu kết quả nghiệm thu đạt yêu cầu thì sẽ cấp Giấy chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe cơ giới sau hoán cải (gọi tắt là Giấy chứng nhận hoán cải) 02 liên, 1 liên dùng để đăng kiểm xe và 1 liên dùng để ra biển số trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày kết thúc nghiệm thu.
  • Trường hợp không cấp, cơ quan nghiệm thu thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do cho tổ chức, cá nhân sau 02 ngày làm việc, kể từ ngày có kết quả nghiệm thu
  • Tổ chức, cá nhân có thể nộp hồ sơ và nhận kết quả trực tiếp tại trụ sở cơ quan nghiệm thu hoặc qua hệ thống bưu chính hoặc hình thức phù hợp khác.
  1. Phí hoán cải thùng xe tải
  • Chi phí hoán cải thùng xe tải sẽ khác nhau đối với từng loại xe tải khác nhau. Việc hoán cải thùng xe tải mỗi loại có thể sẽ mất thời gian khác nhau, cũng như có sự chênh lệch nhất định về giá cải tạo xe tải. Vì có thể phải xử lý những vấn đề của thùng xe cũ. Mức phí hoán cải thùng xe tải còn phụ thuộc vào việc lựa chọn vật liệu đóng thùng hoặc yêu cầu thời gian cải tạo.
  • Ngoài ra, còn có các chi phí ra giấy tờ, đổi cà vẹt sau khi hoán cải. Đây là phần chi phí sau khi đã thực hiện việc hoán cải đã được nghiệm thu. Bao gồm chi phí đăng ký đăng kiểm – thu theo biên lai nhà nước; thứ hai là chi phí đổi cà vẹt – thu theo quy định nhà nước.

       5. Quy đinh về xử phạt khi cải tạo thùng xe sai quy định

  • Tại khoản 9 Điều 2 Nghị định 123/2021/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 01/01/2022 quy định phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm điều khiển xe ô tô tải (kể cả rơ moóc và sơ mi rơ moóc) có kích thước thùng xe không đúng với thông số kỹ thuật được ghi trong Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của xe.
  • Tại khoản 9, Điều 30 Nghị định 100/2019/NĐ-CP được sửa đổi bởi Điểm i Khoản 17 Điều 2 Nghị định 123/2021/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 01/01/2022 quy định: phạt tiền từ 6.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với cá nhân, từ 12.000.000 đồng đến 16.000.000 đồng đối với tổ chức là chủ xe ô tô, máy kéo, xe máy chuyên dùng và các loại xe tương tự xe ô tô thực hiện hành vi vi phạm tự ý thay đổi tổng thành khung, tổng thành máy (động cơ), hệ thống phanh, hệ thống truyền động (truyền lực), hệ thống chuyển động hoặc tự ý cải tạo kết cấu, hình dáng, kích thước của xe không đúng thiết kế của nhà sản xuất hoặc thiết kế trong hồ sơ đã nộp cho cơ quan đăng ký xe hoặc thiết kế cải tạo đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt; tự ý thay đổi tính năng sử dụng của xe hoặc tự ý lắp đặt thêm cơ cấu nâng hạ thùng xe, nâng hạ công-ten-nơ trên xe (kể cả rơ moóc và sơ mi rơ moóc).

Luật sư: ĐỖ NGỌC LAN

CVPL: ĐÀO THỊ NGỌC LIÊN 

TIN XEM NHIỀU