02:18 - 30/07/2021 6145 lượt xem Lao động & Bảo hiểm xã hội

NGƯỜI LAO ĐỘNG CÓ ĐƯỢC PHÉP LÀM VIỆC NHIỀU NƠI?

Hiện nay, xã hội ngày càng phát triển, con người ngày càng năng động, nên 1 người có thể có khả năng đảm nhận làm một lúc 2,3 công ty. Nhưng pháp luật quy định như thế nào và người lao động cần quan tâm những điều gì để tránh những rủi ro không đáng có?

Căn cứ Điểm a Khoản 1 Điều 5 Bộ luật lao động 2019 có quy định người lao động có các quyền sau đây: “Làm việc; tự do lựa chọn việc làm, nơi làm việc, nghề nghiệp, học nghề, nâng cao trình độ nghề nghiệp; không bị phân biệt đối xử, cưởng bức lao động, quấy rối tình dục tại nơi làm việc;

Căn cứ Khoản 1 Điều 19 Bộ luật lao động 2019 thì: “Người lao động có thể giao kết nhiều hợp dồng lao động với nhiều người sử dụng lao động nhưng phải dảm bảo thực hiện đầy đủ các nội dung đã giao kết”.

Như vậy việc một người lao động làm việc tại nhiều nơi là hoàn toàn phù hợp với quy định pháp luật. Tuy nhiên, người lao động khi giao kết với nhiều người sử dụng lao động cần phải lưu ý những điểm nổi bật sau:

  • Về khả năng đảm bảo thực hiện cùng lúc nhiều Hợp đồng lao động:

Cũng theo quy định tại Khoản 1 Điều 19 BLLĐ 2019 thì người lao động “phải đảm bảo thực hiện đầy đủ các nội dung giao kết”. Điều này cũng là điều các Công ty quan tâm đến chất lượng, trách nhiệm và hiệu quả đối với công việc của người lao động khi giao kết hợp đồng. Do vậy NLĐ cần phải đảm bảo sức khỏe, tinh thần để có thể đảm đương được nhiều công việc, nhiều vị trí cùng một lúc. Vì nếu thường xuyên không đảm bảo hoàn thành tốt công việc thì sẽ dẫn đến việc sẽ bị NSDLĐ cho thôi việc theo Điểm a Khoản 1 Điều 36 BLLĐ 2019 hoặc các trường hợp khác nếu có vi phạm do phải chia thời gian, chia sức khỏe, tinh thần để thực hiện nhiều công việc cùng lúc.

  • Về các khoản BHXH, BHYT, BH Thất Nghiệp, BH Tai nạn, bệnh nghề nghiệp

- Nguyên tắc đóng BHXH, BHTN đối với hợp đồng lao động giao kết đầu tiên:

Theo quy định tại khoản 1 Điều 2 Luật BHXH 2014, người lao động làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 01 tháng trở lên bắt buộc phải tham gia BHXH.

Trường hợp ký hợp đồng lao động với nhiều người sử dụng lao động, người lao động chỉ phải đóng BHXH theo hợp đồng lao động được ký đầu tiên (theo khoản 4 Điều 85 Luật BHXH năm 2014).

Trong đó, hàng tháng, người lao động phải trích đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất với mức tiền sau:

Mức đóng = 8% x Tiền lương tháng đóng BHXH

+ Tiền lương đóng BHXH của người lao động bao gồm mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác được ghi nhận cụ thể tại hợp đồng lao động.

+ Tiền lương đóng BHXH tối đa = 20 lần mức lương cơ sở = 29,8 triệu đồng.

- Nguyên tắc đóng BHYT theo HĐLĐ có mức tiền lương cao nhất:

Theo Điều 12 Luật Bảo hiểm y tế năm 2008, sửa đổi năm 2014, người lao động ký hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 03 tháng trở lên thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm y tế bắt buộc.

Căn cứ Điều 13 Luật này, nếu có thêm một hoặc nhiều hợp đồng lao có thời hạn từ đủ 3 tháng trở lên, người lao động sẽ phải đóng bảo hiểm y tế theo hợp đồng lao động có mức tiền lương cao nhất.

Đồng thời, tại Khoản 1.2 Điều 38 Quyết định 959/QĐ-BHXH năm 2015 cũng khẳng định lại quy định trên của Luật BHYT nếu người lao động cùng lúc làm việc ở nhiều nơi, từ 02 công ty trở lên thì nơi nào có mức lương cao nhất thì người lao động thực hiện đóng BHYT theo HĐLĐ tại nơi đó.

Hàng tháng, người lao động sẽ phải đóng tiền vào quỹ bảo hiểm y tế với mức sau:

Mức đóng = 1,5% x Tiền lương tháng đóng BHXH bắt buộc

+ Tiền lương đóng BHXH bắt buộc bao gồm mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác được ghi nhận cụ thể tại hợp đồng lao động.

+ Tiền lương đóng BHXH bắt buộc tối đa = 20 lần mức lương cơ sở = 29,8 triệu đồng.

Nguyên tắc đóng BH Tai Nạn, Bệnh nghề nghiệp ở tất cả các doanh nghiệp có tham gia làm việc.

Căn cứ Điều 43 Luật An toàn, vệ sinh lao động năm 2015, người lao động làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 01 tháng trở lên phải tham gia bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.

Tuy nhiên, theo khoản 2 Điều 41 Luật này, người lao động sẽ không phải đóng tiền vào quỹ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp mà trách nhiệm này thuộc về người sử dụng lao động.

Khi ký hợp đồng với nhiều công ty, người lao động sẽ được người sử dụng lao động đóng bảo hiểm tai nạn, bệnh nghề nghiệp theo từng hợp đồng lao động đã ký.

Hằng tháng, người sử dụng lao động phải đóng vào quỹ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp số tiền tương ứng:

Mức đóng = 0,5% x Tiền lương tháng đóng BHXH của người lao động

+ Tiền lương tháng đóng BHXH bao gồm mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác được ghi nhận cụ thể tại hợp đồng lao động.

+ Tiền lương đóng BHXH tối đa = 20 lần mức lương cơ sở = 29,8 triệu đồng.

  • Về thuế thu nhập cá nhân phải nộp

Tổng Tiền lương, tiền công của NLĐ khi tham gia ở nhiều công ty vẫn tính theo biểu thuế lũy tiến từng phần, tuy nhiên, NLĐ chỉ được tính giảm trừ gia cảnh cho bản thân và cho người phụ thuộc tại một nơi làm việc, những nơi còn lại không được tính giảm trừ.

  • Về bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ

Bí mật thương mại, bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ là những vấn đề mà các công ty khá quan tâm và đây cũng là rào cản vì sao các công ty rất ái ngại việc nhận người lao động làm việc ở nhiều nơi. Do vậy bạn nên cân nhắc lựa chọn những công ty không có sự cạnh tranh hoặc có các ngành nghề có sự mâu thuẩn lợi ích lẫn nhau để tránh những rủi ro đáng tiếc xảy ra liên quan đến bí mật kinh doanh, công nghệ.

Khi đã làm cùng lúc 2, 3 công ty thì bạn cần tuân thủ quy định về bảo vệ bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ của các công ty bởi nếu vi phạm, bạn có thể bị xử lý kỷ luật lao động với hình thức nặng nhất là sa thải theo khoản 2 Điều 125 BLLĐ 2019.

Nếu bạn đang làm nhiều hơn 01 công việc và quan tâm các nội dung trên hoặc các nội dung khác có liên quan hãy liên hệ chúng tôi để được giải đáp.

Luật sư - Hoàng Trương Đông Hà

Mọi thắc mắc xin vui lòng liên hệ Tổng đài tư vấn hoàn toàn miễn phí 

(028) 37 55 3385

Hotline: 0903 328 166 Luật sư Đoàn Văn Nên

 

TIN XEM NHIỀU