02:18 - 14/05/2022 1295 lượt xem Câu hỏi thường gặp

PHÂN BIỆT DI CHÚC VÔ HIỆU VÀ KHÔNG CÓ HIỆU LỰC?

  1. Di chúc vô hiệu

     Trong Bộ luật Dân sự 2015 không có quy định cụ thể về khái niệm của di chúc vô hiệu. Tuy nhiên, di chúc cũng là một giao dịch dân sự đặc thù  (ban đầu là hành vi pháp lý đơn phương, có hiệu lực khi người thụ hưởng đồng ý tiếp nhận thụ hưởng hoặc thực hiện theo quy định pháp luật) và tại Điều 122 Bộ luật Dân sự 2015 cũng ghi nhận: nếu giao dịch dân sự không có một trong các điều kiện tại Điều 117 Bộ luật Dân sự 2015 thì coi như vô hiệu, trừ trường hợp luật có quy định khác.

Điều 117. Điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự

1.Giao dịch dân sự có hiệu lực khi có đủ các điều kiện sau đây:

a) Chủ thể có năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự phù hợp với giao dịch dân sự được xác lập;

b) Chủ thể tham gia giao dịch dân sự hoàn toàn tự nguyện;

c) Mục đích và nội dung của giao dịch dân sự không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội.

2.Hình thức của giao dịch dân sự là điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự trong trường hợp luật có quy định.

    Mặt khác, ta hiểu rằng một di chúc vô hiệu là một di chúc không hợp pháp. Di chúc vô hiệu không thỏa mãn các điều kiện được xem là di chúc hợp pháp quy định tại Điều 630 Bộ luật Dân sự 2015 như sau:

  • Người lập di chúckhông minh mẫn, sáng suốt trong khi lập di chúc;
  • Người lập di chúc bị lừa dối, đe dọa, cưỡng ép;
  • Nội dung di chúc vi phạm điều cấm của luật, trái đạo đức xã hội;
  • Hình thức di chúc trái quy định của pháp luật;
  • Di chúc của người từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi không được lập thành văn bản, không được cha, mẹ hoặc người giám hộ đồng ý về việc lập di chúc;
  • Di chúc của người bị hạn chế về thể chất hoặc của người không biết chữ không được người làm chứng lập thành văn bản và có công chứng hoặc chứng thực;
  • Di chúc miệng không được thể hiện trước ít nhất 02 người làm chứng, người làm chứng không ghi chép lại, ký tên hoặc điểm chỉ và trong 05 ngày không được chứng thực xác nhận chữ ký hoặc điểm chỉ của người làm chứng.

      Nói một cách cụ thể di chúc không thỏa mãn về năng lực của chủ thể khi lập di chúc (về tuổi, về điều kiện nhận thức và quyền tự quyết khi lập di chúc), về nội dung và hình thức của di chúc,… theo quy định tại Bộ luật dân sự 2015 thì được xem là vô hiệu.

  1. Di chúc không có hiệu lực

Di chúc không có hiệu lực là di chúc thỏa mãn các điều kiện để di chúc được xem là hợp pháp tuy nhiên nếu thuộc một trong các trường hợp dưới đây thì sẽ làm cho di chúc không có hiệu lực (chia thành 02 trường hợp: không có hiệu lực toàn bộ hoặc di chúc không có hiệu lực một phần được nêu tại Điều 643 Bộ luật Dân sự 2015):

  • Người thừa kế theo di chúc chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc.
  • Cơ quan, tổ chức được chỉ định là người thừa kế không còn tồn tại vào thời điểm mở thừa kế.

      Di chúc không có hiệu lực thì bao gồm cả di chúc bị vô hiệu, nhưng không có nghĩa chỉ di chúc bị vô hiệu mới không có hiệu lực, mà còn những trường hợp khác di chúc không vô hiệu nhưng vẫn không có hiệu lực. Ví dụ, khi di chúc hợp pháp nhưng vào thời điểm mở thừa kế thì di chúc không có hiệu lực khi di sản để lại cho người thừa kế không còn nữa.


CVPL: Ngọc Liên

TIN XEM NHIỀU