06:41 - 21/03/2022 1663 lượt xem Câu hỏi thường gặp

THỦ TỤC CẤP GIẤY PHÉP VẬN CHUYỂN HÀNG HÓA NGUY HIỂM VỀ CHÁY, NỔ TRÊN ĐƯỜNG BỘ

I. KHÁI NIỆM VÀ NHÓM HÀNG HÓA NGUY HIỂM VỀ CHÁY NỔ

       Theo quy định tại Điều 3, Điều 4 Nghị định 42/2020/NĐ-CP:

  1. Khái niệm
  • Chất nguy hiểm là những chất hoặc hợp chất ở dạng khí, dạng lỏng hoặc dạng rắn có khả năng gây nguy hại tới tính mạng, sức khỏe con người, môi trường, an toàn và an ninh quốc gia.
  • Hàng nguy hiểm (hàng hóa nguy hiểm) là hàng hóa có chứa các chất nguy hiểm khi chở trên đường bộ hoặc đường thủy nội địa có khả năng gây nguy hại tới tính mạng, sức khỏe con người, môi trường, an toàn và an ninh quốc gia.
  1. Nhóm hàng hóa nguy hiểm về cháy nổ

      Tùy theo tính chất hóa, lý, hàng hoá nguy hiểm được phân thành 9 loại, trong đó nhóm loại nguy hiểm về cháy nổ bao gồm 5 loại sau:

      Loại 1. Chất nổ và vật phẩm dễ nổ.

      Loại 2. Chất khí dễ cháy, khí độc hại, khí không dễ cháy không độc hại.

      Loại 3. Chất lỏng dễ cháy và chất nổ lỏng khử nhạy.

      Loại 4. Chất rắn dễ cháy, chất tự phản ứng và chất nổ rắn được ngâm trong chất lỏng hoặc bị khử nhạy; Chất có khả năng tự bốc cháy; Chất khi tiếp xúc với nước tạo ra khí dễ cháy.

     Loại 9: Chất và vật phẩm nguy hiểm khác.

II. THỦ TỤC CẤP GIẤY PHÉP VẬN CHUYỂN HÀNG HÓA NGUY HIỂM VỀ CHÁY, NỔ TRÊN ĐƯỜNG BỘ

      Bộ trưởng Bộ Công an vừa ban hành Thông tư 06/2022/TT-BCA về Quy trình thực hiện nhiệm vụ công tác phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ trong Công an nhân dân. Trong đó, hướng dẫn cấp Giấy phép vận chuyển hàng hóa nguy hiểm về cháy, nổ trên đường bộ (căn cứ theo một số quy định tại Nghị định số 136/2020/NĐ-CPNghị định 42/2020/NĐ-CP), như sau:

BƯỚC 1: Cơ quan, tổ chức, cá nhân chuẩn bị hồ sơ theo quy định của pháp luật.

     Hồ sơ đề nghị, thủ tục cấp Giấy phép vận chuyển hàng hóa nguy hiểm về cháy, nổ thuộc loại 1, loại 2, loại 3, loại 4 và loại 9 bằng phương tiện giao thông cơ giới đường bộ thực hiện theo khoản 2 Điều 17 Nghị định 42/2020/NĐ-CP, bao gồm:

  1. Giấy đề nghị cấp Giấy phép vận chuyển hàng nguy hiểm theo mẫu quy định tại Phụ lục IV Nghị định 42/2020/NĐ-CP;
  2. Bản sao Giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, trong đó phải có loại hình kinh doanh vận tải hàng hóa (áp dụng đối với đơn vị kinh doanh vận tải bằng xe ô tô);
  3. Bản sao hoặc bản chính Bảng kê danh sách phương tiện tham gia vận chuyển kèm theo bản sao giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của phương tiện vận chuyển còn thời hạn hiệu lực do cơ quan có thẩm quyền cấp (áp dụng trong trường hợp vận chuyển theo chuyến);
  4. Bản sao hoặc bản chính Bảng kê danh sách người điều khiển phương tiện vận chuyển hàng hóa nguy hiểm;
  5. Bản sao hoặc bản chính phương án tổ chức vận chuyển hàng hóa nguy hiểm của đơn vị vận chuyển, trong đó nêu rõ tuyến đường, lịch trình vận chuyển hàng hóa nguy hiểm; biện pháp ứng cứu khẩn cấp khi có sự cố cháy, nổ;
  6. Bản sao hoặc bản chính hợp đồng mua bán, cung ứng vật liệu nổ công nghiệp hoặc văn bản cho phép thử nổ công nghiệp (trường hợp vận chuyển đi thử nổ công nghiệp) hoặc quyết định hủy vật liệu nổ công nghiệp (trường hợp vận chuyển đi hủy) của cơ quan có thẩm quyền;
  7. Bản sao hoặc bản chính biên bản kiểm tra của Cơ quan Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ có thẩm quyền về điều kiện vận chuyển vật liệu nổ công nghiệp của người áp tải, người điều khiển phương tiện và phương tiện vận chuyển (kèm theo bản chính để đối chiếu);
  8. Bản sao hoặc bản chính giấy đăng ký khối lượng, chủng loại và thời gian tiếp nhận của cơ quan trực tiếp quản lý kho vật liệu nổ công nghiệp được vận chuyển đến hoặc văn bản cho phép về địa điểm bốc dỡ vật liệu nổ công nghiệp của Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;
  9. Bản sao giấy phép sử dụng vật liệu nổ công nghiệp hoặc văn bản của cơ quan có thẩm quyền cho phép nhập khẩu vật liệu nổ công nghiệp;
  10. Bản sao hoặc bản chính văn bản của cơ quan có thẩm quyền cho phép xuất khẩu hoặc vận chuyển vật liệu nổ công nghiệp từ Việt Nam ra nước ngoài (trường hợp vận chuyển ra nước ngoài).

BƯỚC 2: Nộp hồ sơ cấp Giấy phép vận chuyển hàng hóa nguy hiểm về cháy nổ trên đường bộ.

      Cơ quan, tổ chức, cá nhân nộp hồ sơ cho Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ Công an cấp tỉnh. Trường hợp ủy quyền cho một cá nhân, đơn vị khác thực hiện thì phải có văn bản ủy quyền kèm theo. Sau đó, cán bộ xử lý hồ sơ kiểm tra thành phần, nội dung của các tài liệu có trong hồ sơ:

  • Trường hợp nộp hồ sơ trực tiếp: Cơ quan giải quyết thủ tục hành chính kiểm tra thành phần hồ sơ để tiếp nhận hoặc yêu cầu bổ sung, sửa đổi ngay khi tổ chức, cá nhân đến nộp hồ sơ.
  • Trường hợp nộp hồ sơ qua dịch vụ bưu chính hoặc qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến: Trong thời hạn không quá 01 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ, cơ quan giải quyết thủ tục hành chính xem xét tính đầy đủ, nếu hồ sơ chưa đầy đủ theo quy định, cơ quan giải quyết thủ tục hành chính thông báo bằng văn bản hoặc thông qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến cho tổ chức, cá nhân biết để bổ sung.

BƯỚC 3: Phòng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ tổ chức kiểm tra điều kiện an toàn phòng cháy chữa cháy của phương tiện vận chuyển, theo nội dung quy định tại khoản 3 Điều 8 Nghị định số 136/2020/NĐ-CP (căn cứ khoản 7 Điều 9 Nghị định số 136/2020/NĐ-CP). Đồng thời, kiểm tra điều kiện của người điều khiển phương tiện, người làm việc trên phương tiện vận chuyển hàng hóa nguy hiểm về cháy, nổ như sau:

  1. Kiểm tra điều kiện an toàn phòng cháy chữa cháy của phương tiện vận chuyển giao thông đường bộ:
  • Phương tiện giao thông cơ giới đường bộ từ 04 chỗ ngồi trở lên phải bảo đảm điều kiện hoạt động đã được kiểm định; vật tư, hàng hóa bố trí, sắp xếp trên phương tiện phải bảo đảm an toàn phòng cháy và chữa cháy.
  • Đối với phương tiện giao thông cơ giới đường bộ trên 09 chỗ ngồi phải bảo đảm các điều kiện sau đây:
  • Có nội quy, biển cấm, biển báo, biển chỉ dẫn phù hợp với quy chuẩn, tiêu chuẩn về phòng cháy và chữa cháy hoặc theo quy định của Bộ Công an;
  • Hệ thống điện, nhiên liệu, vật tư, hàng hóa bố trí, sắp xếp trên phương tiện phải bảo đảm an toàn phòng cháy và chữa cháy;
  • Có phương tiện chữa cháy phù hợp với tính chất, đặc điểm hoạt động bảo đảm số lượng, chất lượng phù hợp với quy chuẩn, tiêu chuẩn về phòng cháy và chữa cháy hoặc theo quy định của Bộ Công an;
  • Có quy định, phân công nhiệm vụ phòng cháy, chữa cháy và tổ chức sẵn sàng chữa cháy đáp ứng yêu cầu chữa cháy tại chỗ.
  • Động cơ của phương tiện phải được cách ly với khoang chứa hàng bằng vật liệu không cháy hoặc buồng (khoang) đệm theo quy định;
  • Ống xả của động cơ phải được che chắn, bảo đảm an toàn về cháy, nổ;
  • Sàn, kết cấu của khoang chứa hàng và các khu vực khác của phương tiện nằm trong vùng nguy hiểm cháy, nổ phải làm bằng vật liệu không cháy;
  • Các điều kiện an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường theo quy định;
  • Phải có dây tiếp đất khi phương tiện giao thông đường bộ vận chuyển chất lỏng nguy hiểm về cháy, nổ;
  • Phương tiện giao thông cơ giới đường bộ phải có biểu trưng hàng hóa nguy hiểm về cháy, nổ (Mẫu số PC01 Nghị định số 136/2020/NĐ-CP) ở kính phía trước trong suốt quá trình vận chuyển;
  1. Kiểm tra điều kiện của Người điều khiển phương tiện, Người làm việc trên phương tiện vận chuyển hàng hóa nguy hiểm về cháy, nổ:
  • Người điều khiển phương tiện phải có giấy phép điều khiển phương tiện theo quy định của pháp luật về giao thông đường bộ.
  • Người điều khiển phương tiện, người làm việc trên phương tiện giao thông cơ giới vận chuyển hàng hóa nguy hiểm về cháy, nổ được huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ phòng cháy và chữa cháy quy định tại Điều 33 Nghị định số 136/2020/NĐ-CP.

BƯỚC 4: Cấp Giấy phép vận chuyển hàng hóa nguy hiểm về cháy nổ trên đường bộ.

     Căn cứ kết quả kiểm tra hồ sơ và kiểm tra các điều kiện an toàn phòng cháy chữa cháy nêu trên mà cơ quan công an ra quyết định như sau:

  • Trường hợp kết quả hợp lệ: cơ quan công an ra dự thảo Giấy phép vận chuyển hàng hóa nguy hiểm về cháy, nổ theo Mẫu số PC05 và biểu trưng hàng hóa nguy hiểm về cháy, nổ theo Mẫu số PC01 Phụ lục IX ban hành kèm theo Nghị định số 136/2020/NĐ-CP, báo cáo lãnh đạo, chỉ huy trực tiếp trình người có thẩm quyền trực tiếp quản lý duyệt, ký.
  • Trường hợp đề xuất từ chối giải quyết hồ sơ: Dự thảo văn bản trả lời, nêu rõ lý do, báo cáo lãnh đạo, chỉ huy trực tiếp trình người có thẩm quyền trực tiếp quản lý duyệt, ký.

Luật sư: Đỗ Ngọc Lan

CVPL: Đào Thị Ngọc Liên

TIN XEM NHIỀU