02:49 - 28/01/2021 585 lượt xem Câu hỏi thường gặp

ĐÒI LẠI QUYỀN NUÔI CON

Câu hỏi: 

Em và chồng ly hôn được 6 tháng, em có 2 con chung, tòa phân chia mỗi người nuôi 1 con. Anh ta sau khi ly hôn thì đưa con về ở với bà nội ở Vĩnh Phúc, còn anh ta công tác ở Điện Biên. Cứ hơn tháng em lại về thăm cháu 1 lần nhưng thời gian gần đây anh ta và gia đình hạn chế không cho em liên lạc với con. Em gọi điện không cho em gặp con. Đến ngày hôm qua mẹ anh ta có gọi điện cho em và cấm em không được về đó thăm cháu và sẽ không cho em liên lạc với con. Anh ta đưa con về đó giao phó cho bà không có thời gian dành cho con cũng như chăm sóc con, em cũng nói thẳng quan điểm của mình rằng anh ta và người nhà không có quyền chia rẽ tình cảm của mẹ con em, em có quyền thăm nom, đón đưa con. Nhưng anh ta không chịu hiểu vấn đề lại luôn nhồi nhét cho cháu những ý nghĩ xấu về mẹ. Em gửi những dòng tâm sự này rất mong nhận được sự tư vấn của luật sư, để giúp em có thể được quyền nuôi con và chăm sóc cháu. Em xin chân thành cảm ơn!

Trả lời:

Chào bạn,

Theo quy định tại các Điều 81, 82, 83 Luật Hôn nhân và gia đình thì sau khi ly hôn, cha mẹ vẫn có quyền, nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình theo quy định của Luật này, Bộ luật dân sự và các luật khác có liên quan. Người không trực tiếp nuôi con có quyền, nghĩa vụ thăm nom con mà không ai được cản trở. Cha, mẹ trực tiếp nuôi con cùng các thành viên gia đình không được cản trở người không trực tiếp nuôi con trong việc thăm nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con. Hành vi ngăn cản việc thăm nom chăm sóc giáo dục con như bạn vừa nêu là vi phạm pháp luật. Tại Điều 53 Nghị định 167/2013/NĐ-CP có quy định

“Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với hành vi ngăn cản quyền thăm nom, chăm sóc giữa ông, bà và cháu; giữa cha, mẹ và con, trừ trường hợp cha mẹ bị hạn chế quyền thăm nom con theo quyết định của tòa án; giữa vợ và chồng; giữa anh, chị, em với nhau”. Bạn có quyền yêu cầu UBND cấp xã giải quyết và xử phạt về việc này.

Ngoài ra, khi bạn có đủ chứng cứ chứng minh về việc người cha không còn đủ điều kiện trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con nữa (ví dụ: không có thời gian trực tiếp chăm sóc, giáo dục con, phó mặc cho người khác…) thì bạn có quyền yêu cầu Tòa án có thẩm quyền thay đổi quyền trực tiếp nuôi con theo quy định tại Điều 84 Luật Hôn nhân và gia đình; hoặc yêu cầu Tòa án hạn chế quyền nuôi con của người cha theo quy định tại Điều 85 Luật Hôn nhân và gia đình nếu có đủ chứng cứ chứng minh người cha có hành vi xúi giục, ép buộc con làm những việc trái pháp luật, trái đạo đức xã hội như việc nói xấu mẹ, gieo rắc những điều không tốt vào suy nghĩ của trẻ… Nếu trẻ từ 7 tuổi trở lên thì phải căn cứ vào nguyện vọng của trẻ. Hồ sơ khởi kiện về việc này gửi Tòa án cấp huyện nơi cư trú của bị đơn gồm Đơn khởi kiện theo mẫu, giấy tờ nhân thân, bản án hoặc quyết định ly hôn trước đây và các chứng cứ chứng minh kèm theo..

Chúc bạn may mắn và hạnh phúc.

Luật sư Đoàn Văn Nên

TIN XEM NHIỀU