10:41 - 26/07/2021 2207 lượt xem Doanh nghiệp

NGHĨA VỤ NỘP THUẾ CỦA DOANH NGHỆP KHI PHÁ SẢN

1. Trước tiên cần xem xét ý nghĩa của phá sản Doanh nghiệp đối với nền kinh tế thị trường.

Phá sản là hiện tượng kinh tế bình thường và cần khuyến khích trong nền kinh tế thị trường. Ở bên Mỹ, có một hệ thống Tòa án Khai Phá sản ở cấp Liên Bang và trải xuống Tòa án các tiểu bang để khuyến khích doanh nghiệp phá sản. Khác với quan niệm người phương Đông trong nền kinh tế nông nghiệp ảnh hưởng bởi Nho giáo thường cảm nhận phá sản là sự hoang tàn đổ nát, nợ nần và nhục nhã, quan niệm kinh tế thị trường khác hoàn toàn. Đó là, khi một công ty phá sản, nhà xưởng máy móc còn nguyên, người lao động không ai chết cả; chỉ có sự chuyển dịch những tư liệu sản xuất từ người chủ quản lý kém sang người quản lý giỏi hơn.

Ý nghĩa của phá sản Doanh nghiệp là làm lành mạnh nền kinh tế, giúp cơ cấu lại nền kinh tế, đào thải tự nhiên đối với những người quản lý yếu kém, góp phần duy trì phát triển những doanh nghiệp làm ăn có hiệu quả. Pháp luật phá sản có mục đích giúp doanh nghiệp phá sản càng nhanh càng tốt, vì càng để lâu sẽ thất thoát những lao động giỏi và hao hụt tài sản.

2. Vậy, dấu hiệu Doanh nghiệp lâm vào tình trạng phá sản là gì?

Theo tinh thần khuyến khích phá sản, dấu hiệu doanh nghiệp lâm vào tình trạng phá sản là mất khả năng thanh toán các khoản nợ đến hạn. Cụ thể, trong thời hạn 03 tháng, có chủ nợ đòi mà không thanh toán được (Điều 4, Luật Phá sản 2014).

Có ý kiến cho rằng, Doanh nghiệp mất khả năng thanh toán là do doanh nghiệp khác còn nợ, chưa đòi được để thanh toán chứ không phải mất khả năng thanh toán. Lập luận này là không đúng về mặt Logic pháp lý.  

Ví dụ: Công ty A thiếu nợ Công ty B 300 triệu nhưng Công ty C còn thiếu Công ty A 2 tỷ. Khi Công ty B đòi nợ Công ty A, thì Công A đang đòi nợ Công ty C. Qua 03 tháng, Công ty A chưa đòi nợ được Công ty C nên chưa trả nợ được cho Công ty B, chứ không phải Công ty A mất khả năng thanh toán.

Lập luận trên là ngụy biện. Vì trong 03 tháng, Công ty A không trả được nợ  cho Công ty B 300 triệu là Công ty A đã mất khả năng thanh toán với Công ty B. Chuyện nào ra chuyện đó, Công ty A không thể chồng chéo sang vấn đề nghiệp vụ kinh doanh. Hơn nữa, xét về góc độ tài chính, dòng tiền kinh doanh lành mạnh phải chảy xuyên suốt không gián đoạn. Do Công ty A không có các khoản dự phòng, nên khi dòng tài chính chảy đến Công ty A bị gián đoạn; nghĩa là A đã có dấu hiệu lâm vào tình trạng phá sản. Nói cách khác, dòng tiền như dòng máu chạy nuôi cơ thể nhưng đến Công ty A đã bị tắc nghẽn và đó là dấu hiệu đột quỵ trong tương lai.

 Pháp luật phá sản đã quy định rất rõ về dấu hiệu Doanh nghiệp phá sản, giúp cho doanh nghiệp phá sản nhanh chóng, lành mạnh hóa nền kinh tế.

3. Khi phá sản, nghĩa vụ thuế của Doanh nghiệp như thế nào?

Doanh nghiệp khi lâm vào tình trạng phá sản thường nợ nhiều chủ nợ, trong đó có nợ thuế. Nhiều chủ Doanh nghiệp lo lắng khi phá sản sẽ bị phạt do thiếu nợ thuế. Không phải vậy. Khi phá sản, thuế cũng là một khoản nợ mà chủ nợ là Chi cục thuế. Pháp luật quy định khi phá sản thì nghĩa vụ thuế tiến hành theo Luật Phá sản (Khoản 2, Điều 67, Luật Quản lý thuế 2019). Mà theo Luật Phá sản, nghĩa vụ thuế do Quản Tài Viên thực hiện sau khi thanh lý tài sản doanh nghiệp.

Quản Tài viên là những người hành nghề quản lý, thanh lý tài sản trong quá trình giải quyết phá sản. Họ có am hiểu về nghiệp vụ kinh doanh, về luật pháp và tài chính kế toán, là cánh tay đắc lực của Tòa án khi giải quyết phá sản doanh nghiệp. Quản tài viên sẽ xem xét các khả năng phục hồi kinh doanh, triệu tập các chủ nợ để bàn việc phá sản và tổ chức thanh lý tài sản để chi trả các khoản nợ. Do vậy, khi doanh nghiệp phá sản thì nghĩa vụ đóng thuế không phải của doanh nghiệp mà đó là trách nhiệm của quản tài viên. Không còn chuyện truy thu thuế, phạt thuế vì Quản tài viên sẽ dùng tài sản thanh lý để chi trả các khoản nợ. Thứ tự chi trả, thì trả nợ thuế được ưu tiên hơn so với các chủ nợ là doanh nghiệp khác theo đúng trình tự luật định tại Điều 54, Luật Phá sản 2014.

Luật sư - Đỗ Ngọc Lan

Mọi thắc mắc xin vui lòng liên hệ Tổng đài tư vấn hoàn toàn miễn phí 

(028) 37 55 3385

Hotline: 0903 328 166 Luật sư Đoàn Văn Nên

 

 

TIN XEM NHIỀU