09:15 - 01/07/2021 970 lượt xem Doanh nghiệp

ĐẠI CƯƠNG VỀ HỢP ĐỒNG THƯƠNG MẠI

Hợp đồng trong mọi lĩnh vực đều là sự thỏa thuận giữa các chủ thể nhằm xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền và nghĩa vụ trong những quan hệ xã hội cụ thể. Nếu trong dân sự, vai trò của hợp đồng có tầm quan trọng vì hầu như mọi hoạt động của con người trong giao tiếp đều là hợp đồng thể hiện dưới vô vàn hình thức khác nhau thì trong kinh doanh, tầm quan trọng của hợp đồng là vấn đề sống còn của doanh nghiệp. Hầu hết các công ty ở các nước phát triển luôn đề cao quy trình soạn thảo và ký kết hợp đồng. Cho nên, hợp đồng thương mại của họ rất chi tiết, chặt chẽ và dự liệu cả những tình huống hiếm khi xảy ra. Ông Bill Gates, trong một lần phỏng vấn các ứng viên thi tuyển vào Tập đoàn Microsoft đã đặt câu hỏi: “Theo các bạn đâu là yếu tố duy trì sự ổn định và thành công của các hoạt động kinh doanh ngày nay? Một ứng viên tiêu biểu đã trả lời: “Đó chính là tính chặt chẽ của hợp đồng”. Nhiều người khi đó đã nghi ngờ tính nghiêm túc trong câu trả lời của ứng viên này, nhưng Bill Gates không nghĩ vậy. Ông đã cho ứng viên này điểm tối đa và nhận anh ta vào làm việc.

  1. SỰ CẦN THIẾT TÌM HIỂU HỢP ĐỒNG THƯƠNG MẠI ĐỐI VỚI CÁC CHỦ DOANH NGHIỆP.

  Thực tiễn cho thấy, đa số các Công ty của Việt Nam hiện nay chưa quan tâm nhiều đến vấn đề này, vẫn sử dụng những mẫu hợp đồng khuôn sáo, đơn điệu - “năm câu, ba điều”, khó hiểu và thậm chí lạc hậu so với pháp luật hiện hành. Hậu quả là khi thực hiện hợp đồng rất khó khăn, dễ xảy ra tranh chấp và thường bị thua khi kiện tụng. Có thể nói, trong các vụ tranh chấp kiện tụng quốc tế, hầu như các công ty Việt Nam đều thua kiện, đều bất khả chiến thắng.  Vì sao tình trạng thua thiệt này kéo dài. Có thể do nhiều nguyên nhân: văn hóa kinh doanh trọng tín hơn trọng lý, quy mô kinh doanh còn nhỏ,… nhưng đặc biệt là chưa coi trọng kỹ năng soạn thảo hợp đồng thương mại; trong đó, việc thiếu tìm hiểu về hợp đồng với cách thức soạn thảo và những điều khoản cốt lõi trong giao kết kinh doanh. Do vậy, nghiên cứu về luật hợp đồng trong thương mại là vô cùng cần thiết.

Trong các công ty ngoại quốc, đội ngũ luật sư chuyên ngành về từng lĩnh vực thương mại luôn thường trực soạn thảo các loại hợp đồng thương mại mà ở Việt Nam, các doanh nghiệp lớn thường giao cho bộ phận pháp chế doanh nghiệp phối hợp với bộ phận kinh doanh. Còn các doanh nghiệp vừa và nhỏ, bộ phận pháp chế không có. Tuy nhiên, nếu doanh nghiệp thuê luật sư bên ngoài, thì hầu hết các luật sư ít am hiểu về chuyên ngành thương mại và kinh nghiệm thương trường mà chuyên về tố tụng tại tòa. Còn bộ phận pháp chế thường tải các hợp đồng mẫu trên mạng, trong khi, hoạt động thương mại với vô số các lãnh vực kinh doanh khác nhau, không hợp đồng nào giống hợp đồng nào. Thí dụ trong hợp đồng mua bán hàng hóa thì hợp đồng mua bán hàng nông sản khác hợp đồng mua bán hàng cơ khí phụ tùng; hợp đồng mua bán tàu biển khác hợp đồng mua bán tàu sông; hợp đồng mua bán quyền sở hữu nhãn hiệu khác mua bán sản phẩm có gắn nhãn hiệu…v.v…Cho nên, nhiều nhân viên kinh doanh hoặc nhân viên pháp chế các công ty tải các hợp đồng mẫu trên mạng áp dụng chung cho mọi loại hàng hóa, vô tình tạo nên những sơ hở trong giao kết hợp đồng.

* Phân biệt hợp đồng thương mại và hợp đồng dân sự: Hợp đồng dân sự là sự thỏa thuận giữa các bên về xác lập các quyền và nghĩa vụ dân sự. Đặc điểm loại hợp đồng dân sự là việc thực hiện hợp đồng với mục đích dân sự. Còn hợp đồng thương mại, cũng chính là hợp đồng nhưng chủ thể phải có ít nhất một bên là thương nhân (các công ty, cá nhân có đăng ký kinh doanh) và thực hiện hợp đồng nhằm mục đích kinh doanh phát sinh lợi nhuận.

  1. VAI TRÒ CỦA SỰ CHẶT CHẼ TRONG HỢP ĐỒNG THƯƠNG MẠI

Tại sao một văn bản hợp đồng có các điều khoản sơ sài, ngôn ngữ không chính xác thường sẽ dẫn tới những tranh chấp kinh doanh trong quá trình thực hiện hợp đồng? Bởi vì “các điều khoản trong hợp đồng chính là các điều luật”. Khi nói rằng, pháp luật là các quy tắc xử sự mang tính bắt buộc thì các bên thỏa thuận tuân thủ các điều khoản trong hợp đồng, thì các điều khoản hợp đồng chính là các quy tắc mà các bên phải có các hành vi xử sự tuân thủ đúng cam kết. Hợp đồng đã ký kết mà một bên thực hiện không đúng, nghĩa là đã vi phạm luật hợp đồng. Trong kinh doanh thương mại, hợp đồng thương mại chính là văn bản luật thương mại điều chỉnh và rang buộc các bên kinh doanh. Cho nên, tìm hiểu về luật thương mại mà chỉ bó hẹp trong các văn bản luật của nhà nước ban hành là chưa hiểu đúng về luật thương mại và hợp đồng thương mại.

Do các điều khoản trong hợp đồng chính là các điều luật, nên các điều luật này phải dùng ngôn ngữ chính xác, rõ ràng, cụ thể, không đa nghĩa; thì việc thực hiện hợp đồng mới đúng và ít có sai sót. Vì thực hiện hợp đồng chính là thực thi những điều luật hợp đồng. Cũng như trong văn bản luật của Nhà nước, nếu điều luật chung chung, trừu tượng, không rõ ràng sẽ dẫn tới việc thực hiện pháp luật lung tung, lạm quyền và bất tuân thủ.

  1. BẢN CHẤT HỢP ĐỒNG

Bản chất hợp đồng là giữ lời hứa. Trong thương mại, khi các bên doanh nhân giao kết với nhau là trung thực chứng tỏ thiện chí muốn làm ăn với nhau. Do vậy, trong giao kết hợp đồng thể hiện khi thỏa thuận, các chủ thể thương lượng về các điều khoản một cách chi tiết nhằm đảm bảo thực hiện hiệu quả các quyền và nghĩa vụ của họ trên thực tế. Do các bên tự nguyện ràng buộc mình thực hiện các nghĩa vụ trong hợp đồng nên đều mong muốn hoàn tất các nghĩa vụ đó. Có nghĩa là, một bản hợp đồng có tính trung thực khi các bên thỏa thuận đến từng chi tiết nhằm đảm bảo tính hiệu quả khi thực hiện hợp đồng, tránh tranh chấp phát sinh. Có những quan điểm khác về tính trung thực khi giao kết, thỏa thuận trong hợp đồng đối với các cá nhân ở các quốc gia có nền kinh tế đang phát triển do đặc điểm văn hóa Nho giáo. Đó là họ thường quan niệm giao kết hợp đồng dựa vào sự tin cậy lẫn nhau. Giữ chữ tín trong giao kết nên văn bản hợp đồng thiết lập giữa các bên rất đơn giản, không có các điều khoản chi tiết để bảo đảm thực hiện. Các bản hợp đồng này thường dễ xảy ra tranh chấp vì trong quá trình thực hiện có những phát sinh nào đó. Lúc phát sinh những sự việc ngoài ý muốn trong khi hoàn cảnh đã thay đổi, các bên không thể tiếp tục thoả thuận được như trước và xảy ra tranh chấp. Sự trung thực khi giao kết hợp đồng nghĩa là các bên bày tỏ các ý kiến, dự liệu các tình huống, thoả thuận về mọi tình huống xấu nhất có thể xảy ra trong tương lai; nếu không dự liệu và bày tỏ ý kiến với nhau và cho rằng việc thoả thuận như vậy làm giảm uy tín cá nhân .... thì lập luận ấy chính là nguỵ biện, tính thiếu trung thực trong giao kết được ngụy trang bằng chữ tín mà thôi. Nói cách khác, nếu các bên trung thực khi giao kết, họ sẽ “lật ngửa quân bài” để thoả thuận với nhau mà không che đậy, nguỵ trang bằng uy tín cá nhân. Cá nhân là đại diện pháp lý cho một pháp nhân nào đó nhưng không thể đồng nghĩa cá nhân ấy là pháp nhân. Cho nên, hầu hết các công ty ở các nước phát triển luôn đề cao quy trình soạn thảo và ký kết hợp đồng, hợp đồng thương mại của họ rất chi tiết, chặt chẽ và dự liệu cả những tình huống hiếm khi xảy ra. Có thể nói, bản hợp đồng trung thực là một bản hợp đồng được chi tiết hoá các điều khoản cụ thể và dự liệu các tình huống phát sinh trong tương lai để đảm bảo tính khả thi.

  1. LƯU Ý

Trong phạm vi một bài viết sẽ không chuyển tải toàn bộ các vấn đề của hợp đồng thương mại. Các doanh nhân nào quan tâm nên theo dõi trên trang web của Công ty Luật Nguyễn Đoàn hoặc tư vấn trực tiếp tại công ty.

 

 

Luật sư Đỗ Ngọc Lan

Mọi thắc mắc xin vui lòng liên hệ Tổng đài tư vấn hoàn toàn miễn phí

(028) 37 55 3385

Hotline: 0903 328 166 Luật sư Đoàn Văn Nên

 

TIN XEM NHIỀU