08:41 - 28/06/2021 476 lượt xem Câu hỏi thường gặp

BÔI NHỌ DANH DỰ VÀ UY TÍN CỦA NGƯỜI KHÁC

Câu hỏi:

Em có đăng kí khoá học nail từ cơ bản đến nâng cao là 4 triệu và em cọc trước 2 triệu. Trong quá trình học em thấy bên đó dạy không tốt nên em đã nghỉ. Bên đó bắt em phải đóng 2 triệu còn lại em không đóng. Sau đó, họ đã lấy hình ảnh của em đăng lên mạng xã hội facebook để bôi nhọ danh dự uy tín của em. Vậy em có kiện được không ạ?

Luật sư trả lời:

Chào bạn, cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đến Công ty Luật Nguyễn Đoàn.

Trên cơ sở yêu cầu của bạn và trên cơ sở quy định của Luật An ninh mạng năm 2018; Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012; Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung 2017; Bộ luật Dân sự năm 2015; Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015 và các văn bản pháp luật có liên quan, chúng tôi xin phép được trả lời câu hỏi bạn như sau:

Theo thông tin bạn cung cấp, chúng tôi hiểu rằng: Bạn có đăng kí khoá học nail từ cơ bản đến nâng cao là 4 triệu đồng và bạn đặt cọc trước 2 triệu đồng. Trong quá trình học bạn thấy bên nhận cọc dạy không tốt nên bạn đã nghỉ. Bên nhận cọc bắt bạn phải đóng 2 triệu đồng còn lại nhưng bạn không đóng. Sau đó, họ (bên nhận cọc) đã lấy hình ảnh của bạn đăng lên mạng xã hội facebook để bôi nhọ danh dự uy tín của bạn và bạn muốn hỏi là mình có kiện được không?

Theo thông tin bạn cung cấp, chúng tôi chưa rõ bạn và bên nhận cọc dạy nail thỏa thuận như thế nào về việc thanh toán. Tuy nhiên, trong những thỏa thuận thông thường, nếu bạn có vi phạm thì bên nhận cọc dạy nail có thể khởi kiện để yêu cầu bạn tiếp tục thanh toán. Việc họ (bên nhận cọc) đã lấy hình ảnh của bạn đăng lên mạng xã hội facebook để bôi nhọ danh dự uy tín của bạn là hành vi trái với quy định pháp luật.

Căn cứ theo Điều 16 và Điều 9 Luật An ninh mạng 2018 thì những Thông tin trên không gian mạng có nội dung làm nhục, vu khống xúc phạm nghiêm trọng danh dự, uy tín, nhân phẩm của người khác; Thông tin bịa đặt, sai sự thật xâm phạm danh dự, uy tín, nhân phẩm hoặc gây thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác thì có thể bị xử lý vi phạm pháp luật về an ninh mạng. Theo đó thìNgười nào có hành vi vi phạm quy định của Luật này thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử lý vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.”

Hành vi đăng ảnh cá nhân của người khác lên facebook kèm theo những lời lẽ xúc phạm, bôi nhọ danh dự uy tín của người khác là hành vi vi phạm quy định của Luật An ninh mạng năm 2018. Tùy tính chất, mức độ vi phạm mà người vi phạm phải gánh chịu mức xử phạt tương ứng với từng hành vi vi phạm cụ thể được quy định tại Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012, Bộ luật Hình sự năm 2015...

Căn cứ theo Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 và điểm a khoản 1 Điều 101 Nghị định 15/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử thì hành vi đưa thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự và nhân phẩm của cá nhân có thể bị xử phạt từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng.

“Điều 101. Vi phạm các quy định về trách nhiệm sử dụng dịch vụ mạng xã hội

1. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi lợi dụng mạng xã hội để thực hiện một trong các hành vi sau:

a) Cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân;

Trong trường hợp nghiêm trọng, người vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về “Tội làm nhục người khác” theo khoản 1 Điều 155 hoặc về ‘Tội vu khống” theo quy định tại Điều 156 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung 2017. Tại khoản 1 Điều 155 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung 2017 về “Tội làm nhục người khác” quy định về hành vi xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác là hành vi cấu thành tội làm nhục người khác, có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.

Ngoài ra, cá nhân bị thông tin làm ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm, uy tín thì ngoài quyền yêu cầu bác bỏ thông tin đó còn có quyền yêu cầu người đưa ra thông tin xin lỗi, cải chính công khai và bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật. Căn cứ theo khoản 1 Điều 584 Bộ luật dân sự năm 2015 có quy định như sau: “Người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường, trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác”.

Và Điều 592 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định: “Chi phí bồi thường thiệt hại bao gồm chi phí hợp lý để hạn chế, khắc phục thiệt hại; thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút; thiệt hại khác tùy trường hợp cụ thể và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người có danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm không quá mười lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định”.

Để bảo vệ quyền và lợi hợp pháp của mình, người bị hại có quyền tố cáo hoặc khởi kiện vụ án dân sự, yêu cầu Tòa án có thẩm quyền bảo vệ quyền công dân, quyền và lợi ích hợp pháp của mình theo quy định của pháp luật.

Trên đây là một số ý kiến của chúng tôi trên cơ sở quy định pháp luật hiện hành có liên quan và trên cơ sở kinh nghiệm của chúng tôi về vấn đề bạn yêu cầu có ý kiến.  

Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ qua điện thoại số: 0903328166 để được giải đáp. 

Trân trọng./.

Luật sư Nguyễn Ngọc

Mọi thắc mắc xin vui lòng liên hệ Tổng đài tư vấn hoàn toàn miễn phí

(028) 37 55 3385

Hotline: 0903 328 166 Luật sư Đoàn Văn Nên

 

TIN XEM NHIỀU